Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Vấn nạn " hoa hồng " du lịch


Chi "hoa hồng" trong giao dịch thương mại hiện nay là chuyện bình thường và chính đáng, tuy nhiên trong ngành du lịch, chuyện "hoa hồng" đang trở nên bất bình thường khi nhiều shop bán hàng lưu niệm, đặc sản cho du khách đang phải chi hoa hồng cho các hãng lữ hành và hướng dẫn viên (HDV) du lịch tới 40% - 50% khiến giá bán sản phẩm bị đẩy lên rất cao và làm yếu đi sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam
"Hoa hồng" trên... trời
Vấn đề này đã bức bối đến mức một ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) phải đặt thẳng ra tại hội nghị công bố điểm du lịch đạt chuẩn vừa qua. Nếu như trước đây tỷ lệ hoa hồng thường được các HDV kín đáo thỏa thuận miệng với các shop thì nay được ký hợp đồng hẳn hoi. Tỷ lệ hoa hồng đối với du khách châu Á cao hơn du khách châu Âu do nhu cầu mua sắm của người châu Á cao hơn. Shop càng nhỏ thì mức chi hoa hồng phải càng cao. Trước đây tỷ lệ hoa hồng được giới kinh doanh du lịch "quy định" như sau: doanh nghiệp lữ hành hưởng 5% - 10%, HDV cũng hưởng 5% - 10% giá trị lượng hàng du khách mua tại shop. Tuy nhiên từ khi du khách từ Nhật (vốn rất thích mua sắm) đến TP.HCM tăng ồ ạt, tỷ lệ hoa hồng đã bị đẩy lên đến 40% - 50% đối với khách đến từ các thành phố lớn như Tokyo, Osaka... và từ 10% - 20% đối với khách đến từ các tỉnh nhỏ hơn của Nhật. Trong đó HDV hưởng từ 20% - 30%, doanh nghiệp lữ hành hưởng từ 10% - 20%. Chủ một cửa hàng bán hàng lưu niệm vừa được công nhận là "điểm du lịch đạt chuẩn" cho biết mình cũng từng là nạn nhân của tình trạng vòi vĩnh đòi hoa hồng cao của một số HDV: "Không ít du khách nước ngoài đã đặt vấn đề vì sao cùng một sản phẩm hàng mỹ nghệ mà giá bán ở Việt Nam lại cao hơn ở Thái Lan trong khi Thái Lan phải nhập khẩu hàng từ Việt Nam? Họ đâu biết đó chính là do nạn đòi hoa hồng của các HDV. Chúngta đã làm giảm lòng tin ở du khách". Một tiểu thương tại chợ Bến Thành cũng bức xúc: "Thật sự chúng tôi không thể nào bán hàng đúng giá được vì phải chi hoa hồng cho các HDV rất cao, do vậy giá niêm yết cao hơn nhiều so với giá thực tế...".
HDV mới là..."thượng đế"
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt cùng đại diện của một số cửa hàng lưu niệm tại TP.HCM, "thủ phạm" chính của tệ nạn này chính là các HDV, "đồng phạm" chính là những doanh nghiệp lữ hành - đơn vị quản lý HDV. HDV đang nắm trong tay "vũ khí tối thượng" để "tiêu diệt" bất cứ cửa hàng nào không chịu chi hoa hồng như ý mình bằng cách... nói xấu cửa hàng với du khách, du khách có "lỡ" ghé vào tham quan cũng không dám mua hàng. Bà Dương Thanh Thủy - chủ cửa hàng Miss Áo Dài cho biết "ngành du lịch đang thiếu trầm trọng HDV, nhất là HDV biết tiếng Nhật nên không ít HDV cho rằng chính họ mới là "thượng đế" chứ không phải du khách, việc "sống hay chết" của các cửa hàng do chính họ quyết định". Trước tình trạng bức xúc này, bà Nguyễn Thị Lập Quốc - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đã yêu cầu: "Hiệp hội Du lịch thành phố nhanh chóng đưa ra biện pháp giải quyết tình trạng này, nên quy định về mức hoa hồng cụ thể mà HDV được hưởng và doanh nghiệp lữ hành phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này". Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Hy - Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty Du lịch Fiditourist, khắc phục tình trạng này rất khó vì: "HDV ăn chia với các shop bao nhiêu mình không tài nào biết được. Công ty chỉ có quy định rằng HDV không được nhận hoa hồng hơn 10% đối với các shop, nếu vi phạm sẽ bị phạt trừ công tác phí (khoảng vài trăm nghìn, tùy vào mức độ vi phạm). Tuy nhiên, khó khăn lớn là đang có đến 80% HDV của công ty là cộng tác viên nên không quản lý được họ".
Cẩm Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét